Chi hơn 10,4 tỉ USD nhập khẩu sắt, thép 2

Năm 2015, Việt Nam cũng đã nhập khẩu gần 19 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tăng 3,55 triệu tấn so năm 2014 (tương ứng 23,42%), với tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 9 tỉ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành thép trong năm 2015 ước đạt dưới 2 tỉ USD đã đưa nhập siêu của ngành thép đạt hơn 7 tỉ USD.
Báo cáo mới đây của Tổng cục Hải quan cho thấy, con số nhập khẩu thép trong năm 2016 tiếp tục là một con số “khủng”, lên đến 17,65 triệu tấn sắt, thép các loại, tương ứng khoảng 7,6 tỉ USD. Trong đó, phôi thép chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, khoảng hơn 1 triệu tấn, đạt giá trị 320 triệu USD. Ngoài ra, nhập khẩu nhóm sản phẩm từ sắt, thép cũng tăng mạnh đạt 2,8 tỉ USD.

Như vậy, kim ngạch nhập khẩu các nhóm mặt hàng sắt thép đã vượt 10,4 tỉ USD. Với con số này, sắt thép là nhóm nhập khẩu lớn thứ 3 trong cơ cấu hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam.

Trong khi ở chiều ngược lại, tính đến 15/12, Việt Nam xuất khẩu được 3,2 triệu tấn thép, trị giá 1,8 tỉ USD. Nhóm sản phẩm từ sắt thép xuất khẩu được 1,88 tỉ USD. Tổng cộng, kim ngạch xuất khẩu sắt thép đạt khoảng 3,7 tỉ USD. Theo đó, cả nước nhập siêu 6,7 tỉ USD trong ngành thép.

Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam với gần 10 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ. Thứ hai là Nhật Bản với 2,4 triệu tấn, tăng 7%; Hàn Quốc đạt 1,69 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây cho biết, năm 2017, ngành thép Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Một số sản phẩm thép như thép cuộn cán nóng chưa sản xuất được trong nước bắt buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.

Thực trạng nhập siêu ngành thép theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngày càng trầm trọng, tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô.

Đầu tháng 3/2016, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép. Tuy nhiên, đối phó với mức thuế bị áp, thép ngoại đã “lách” bằng cách kê khai mặt hàng thép dây cuộn, một trong những sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại sang mã HS khác.

Thực trạng này đã được Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ ra trong văn bản gửi Bộ Tài chính. Cụ thể, Hiệp hội Thép dẫn chứng, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thép thuộc mã hàng phải áp dụng thuế tự vệ 10 tháng đầu năm 2016 giảm, chỉ bằng 69,87% so với cùng kỳ và bằng 58,22% so với cả năm 2015. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thép thuộc mã hàng không chịu thuế tự vệ 10 tháng đầu năm 2016 tăng mạnh bằng 155,91% so với cùng kỳ và bằng 129,93% so với cả năm 2015.

Phản hồi về nội dung này, Bộ Tài chính nhận định rằng, có hiện tượng tăng nhập khẩu các mặt hàng thép không chịu thuế tự vệ và giảm nhập khẩu đối với thép chịu thuế tự vệ và cho biết, trước phản ánh nhập khẩu thép cuộn ồ ạt từ nước ngoài vào Việt Nam và nghi ngờ lẩn tránh thuế tự vệ, Bộ Tài chính đã đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế đối với các mặt hàng này và để đạt được hiệu quả cần sự phối hợp với doanh nghiệp, Hiệp hội Thép.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc gian lận, trốn thuế từ trước đến nay đều là vấn đề mà các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt và tìm nhiều biện pháp để quản lý, ngăn ngừa, đặc biệt đối với các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, có thuế suất thuế nhập khẩu cao.

“Đề nghị Hiệp hội Thép kịp thời thông báo với cơ quan chức năng liên quan như cơ quan hải quan, cơ quan quản lý thị trường, công an… khi có thông tin về việc gian lânh thương mại đối với thép nhập khẩu”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *